Thursday, November 21Trang thông tin giải pháp website và công nghệ
Shadow

eSIM, iSIM là gì? Chúng có ưu điểm gì so với những SIM đang sử dụng hiện nay?

Các smartphone hiện đại nhất hiện nay vẫn hỗ trợ công nghệ SIM thẻ truyền thống, nhưng một vài chiếc – trong đó có các sản phẩm iPhone XS, XS Max đang dần hỗ trợ chuẩn SIM mới mang tên eSIM. Không dừng lại ở đó, chỉ trong một thời gian ngắn nữa ta sẽ có một chuẩn nữa mang tên iSIM.

Đầu năm nay, ARM đã công bố chuẩn iSIM – tích hợp thẳng SIM vào SoC của thiết bị, cùng với những thành phần đã có sẵn như CPU, GPU, modem mạng 4G hoặc 5G. Mặc dù sự khác biệt với eSIM là không lớn, iSIM rất có thể sẽ trở thành chuẩn chung của smartphone và các sản phẩm Internet of Things trong tương lai.

Đừng nhầm với eSIM, vì đây là iSIM - Bước tiến hóa tiếp theo của công nghệ viễn thông - Ảnh 1.

So sánh eSIM và iSIM

eSIM và iSIM có rất nhiều điểm tương đồng, khi cả 2 đều là chuẩn mới thay thế các thẻ SIM thay thế thông thường, được tích hợp thẳng vào smartphone, máy tính bảng và những thiết bị khác. Phương thức này có một ưu điểm lớn, đó là tiết kiệm được diện tích bên trong thiết bị, từ đó cho phép các hãng có thể làm chúng mỏng hơn, nhẹ hơn. Cả 2 chuẩn này đều hỗ trợ thay đổi nhà mạng, gói cước bằng cách đăng ký trực tiếp tại nơi cung cấp dịch vụ thay vì thay đổi một thẻ SIM vật lý.

Đừng nhầm với eSIM, vì đây là iSIM - Bước tiến hóa tiếp theo của công nghệ viễn thông - Ảnh 2.

So sánh kích thước của tất cả các loại SIM đã có và iSIM

Trong tương lai, eSIM và iSIM còn có thể giúp người dùng đăng ký nhiều nhà mạng với chỉ một thiết bị, và ngược lại sử dụng một gói cước ở nhiều thiết bị để đơn giản hóa quá trình đăng ký và nộp, trả tiền.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa eSIM và iSIM nằm ở thành phần phần cứng tích hợp. eSIM có một chip riêng biệt, được kết nối với SoC, còn iSIM là một thành phần bên trong SoC nên có kích thước thậm chí còn nhỏ hơn. iSIM do được tích hợp bên trong SoC – một thành phần có tính bảo mật rất cao nên cũng có thể lưu trữ thông tin của người dùng một cách an toàn hơn.

Vậy lợi ích của iSIM là gì?

iSIM được thiết kế để phù hợp với chuẩn GSMA để dành cho các thiết bị thông minh Internet of Things, với ưu điểm lớn nhất là tính bảo mật cao đã đề cập. Nhờ có chuẩn mã hóa PSA của các sản phẩm từ ARM, iSIM khó bị xâm nhập hơn rất nhiều so với SIM truyền thống và eSIM.

Hơn nữa, iSIM cũng được tích hợp chuẩn TrustZone, CryptoIsland và hệ điều hành Kigen OS của ARM để bảo vệ thông tin người dùng, mã hóa dữ liệu ngay ở SoC mà không phải gửi sang các thành phần khác trong máy. Thông tin của người dùng được lưu trữ trong phần mềm được mã hóa, bên trong phần cứng cũng được mã hóa chặt chẽ. Với các thiết bị IoT, việc tích hợp được nhiều thành phần vào một chip SoC cũng là một ưu điểm, giúp thu nhỏ kích thước, giảm giá thành.

Thế nhưng chuẩn này chắc chắn rồi cũng sẽ được áp dụng vào smartphone để thay thế SIM vật lý, đem ưu điểm của nó từ các thiết bị IoT lên thiết bị mà ai cũng đang sử dụng hàng ngày. Càng ngày smartphone càng lưu trữ nhiều thông tin quan trọng của người dùng như dấu vân tay, mật khẩu ngân hàng, nên việc có một loại SIM có tính bảo mật cao là rất cần thiết.

Đừng nhầm với eSIM, vì đây là iSIM - Bước tiến hóa tiếp theo của công nghệ viễn thông - Ảnh 3.

Viễn cảnh về sự kết nối giữa tất cả các thiết bị

Các nhà phát triển công nghệ đang hướng tới một tương lai mà các thành phố, nhà máy và các thiết bị điện tử của người dùng đều có thể kết nối với nhau một cách thông minh, nên hiện giờ ta phải phát triển một nền tảng để quản lý được chúng, và hệ điều hành đám mây Kigen OS là một ứng cử viên đáng giá. Và cũng trong tương lai gần, người dùng có thể quản lý các thiết bị của mình trên đám mây sử dụng công nghệ iSIM.

Hiện tại người dùng muốn sử dụng nhiều thiết bị kết nối mạng thì sẽ phải mua nhiều gói cước khác nhau, nhưng trong tương lai thì tất cả thiết bị sẽ được về 1 tài khoản để dễ kiểm soát. Ta cũng có thể đăng ký tài khoản gia đình, với 1 tài khoản chính có thể thêm hoặc loại bỏ các thiết bị khác nhau.

Không dừng lại ở đó, iSIM cũng có thể được áp dụng vào việc thanh toán, mua hàng. Hiện nay những công việc này đều được thực hiện bằng bảo mật sinh trắc học (cảm biến vân tay, mống mắt, khuôn mặt), nhưng nếu iSIM có tính bảo mật cao, thì người dùng có thể sử dụng nó trong việc mua sắm hoặc quản lý tài khoản ngân hàng.

Google cũng đã vào cuộc để gia tăng tính bảo mật của phần cứng để giúp viễn cảnh này sớm trở thành sự thật. Một ví dụ điển hình đó là mô-đun Strongbox, có một CPU và chìa khóa bảo mật riêng biệt để lưu trữ những thông tin nhạy cảm.

Chuẩn này của Google khác biệt so với các chuẩn mã hóa khác, và có lẽ trong tương lai sẽ không được gộp vào nhau. Tuy vậy đây không phải là nhược điểm, vì càng có nhiều lớp bảo mật khác nhau, ở các ứng dụng và nền tảng khác nhau thì càng tốt, càng tăng độ an toàn của thông tin.

Liệu ta có thể tin tưởng được công nghệ Internet ID hay không?

Không sớm thì muộn, các công nghệ này cũng sẽ dẫn đến một đích đến được gọi là ‘Internet ID’ – danh tính mạng. Internet ID sẽ giúp người dùng quản lý tất cả hoạt động của mình, từ các tài khoản mạng xã hội, tin nhắn, cuộc gọi tới các thông tin mua sắm, ngân hàng.

Internet ID cũng giúp người dùng quản lý các dịch vụ ngoài đời, như đăng ký tập Gym bằng thẻ iSIM và NFC chẳng hạn. Ta cũng có thể lưu trữ được bằng lái, các giấy tờ tùy thân vào smartphone, giúp đơn giản hóa cuộc sống rất nhiều. Tuy vậy thì hiện nay, tính bảo mật của phần cứng còn chưa cao nên nhiều người cũng chưa bị thuyết phục bởi công nghệ này.

Thế nhưng công nghệ đang phát triển một cách nhanh chóng, và trong tương lai danh tính của từng người chắc chắn sẽ phụ thuộc nhiều vào công nghệ, nhất là các thiết bị cầm tay như smartphone với công nghệ iSIM và Internet ID.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *